Lịch Sử Hình Thành - Phát triển

Lịch sử hình thành Trung tâm Hành hương Ki-tô Vua Vũng Tàu

 

Trung tâm Hành hương Chúa Ki-tô Vua, địa danh được biết đến với việc sở hữu công trình tôn giáo mang tính chất đặc trưng, ý nghĩa và nổi bật đối với cộng đồng Công giáo tại Việt Nam và thế giới: “Tượng Chúa Ki-tô Vua”.

Tọa lạc trên trên đỉnh núi Nhỏ, hay còn gọi là núi Tao Phùng, tượng Chúa uy nghiêm, hùng vĩ, là điểm đến linh thiêng luôn dang tay chào đón các tín hữu hành hương từ khắp mọi nơi. Không chỉ vậy, đây còn là biểu tượng văn hóa, tâm linh gắn liền với lịch sử phát triển của Công giáo tại khu vực miền Nam.

Ngoài việc mang đến không gian thiêng liêng để cầu nguyện, suy niệm, hay đơn thuần chỉ là điểm đến tham quan, Trung tâm còn mong muốn được góp phần gìn giữ và lan tỏa các giá trị nhân văn, đức tin Công giáo trong cộng đồng, thể hiện tinh thần tôn vinh Thiên Chúa cũng như tình yêu thương bao la mà Người dành cho nhân loại.

Ý TƯỞNG KHỞI ĐẦU VÀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG

Đầu thế kỷ 20, các linh mục và giáo dân tại khu vực Vũng Tàu với mong muốn xây dựng một biểu tượng tôn giáo nhằm mục đích khẳng định đức tin Công giáo tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Dương nói chung. Bối cảnh này diễn ra trong giai đoạn đạo Công giáo bắt đầu lan rộng và ghi dấu tại Việt Nam, đặc biệt là dưới sự ảnh hưởng của các nhà truyền giáo phương Tây.

Công trình ban đầu dự kiến bao gồm tượng Chúa 10m, đặt trên bệ chân cao 5m tại khu vực Ô Quắn, mũi Nghinh Phong. Tuy nhiên vì nhiều yếu tố khách quan, địa điểm xây dựng đã được chuyển sang khu vực núi Tao Phùng như hiện nay.

Chính thức khởi công từ năm 1974, tượng Chúa Ki-tô Vua được thiết kế với chiều cao 32m cùng hình ảnh đôi tay dang rộng như ôm trọn biển Đông, thể hiện tình yêu thương, lòng nhân từ, sự chở che vô bờ bến của Chúa. Do biến động lịch sử vào tháng 4 năm 1975, việc xây dựng tạm ngưng ngay khi bức tượng mới được hoàn thiện các phần cơ bản.

Đến ngày 04 tháng 11 năm 1992, công trình được khởi động lại do linh mục Tổng đại diện Đa Minh Nguyễn Chu Trinh làm trưởng ban xây dựng, cùng sự chung tay, đóng góp của linh mục Phê Rô Trần Văn Huyên, các Giáo dân và mạnh thường quân, tiêu biểu như gia đình ân nhân: Bác sĩ Lê Ngọc Tuyến… Đặc biệt, công trình còn có sự tham gia của nhiều nghệ nhân, kiến trúc sư nổi tiếng thời điểm bấy giờ: kỹ sư Nguyễn Quảng Đức, điêu khắc gia Văn Ngọc…  

Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bức tượng đã chính thức hoàn thiện, được Đức Giám mục Phaolo Maria Nguyễn Minh Nhật làm phép khánh thành vào ngày 24 tháng 11 năm 1994, trở thành một biểu tượng nổi tiếng về tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa, và là minh chứng cho lòng kiên cường của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam.

Những bức ảnh ghi lại quá trình từ thời điểm khởi công đến khi hoàn thành:

NHỮNG KỶ LỤC ĐƯỢC GHI NHẬN

Đáp lại sự tâm huyết và nỗ lực của toàn thể Linh mục, tu sĩ, cũng như cộng đoàn giáo dân, người dân trong công cuộc xây dựng Trung tâm Hành hương, tượng Chúa Ki-tô Vua đã được công nhận là một công trình kiến trúc nổi bật, khẳng định vị thế, giá trị ở cấp quốc gia và khu vực với các kỷ lục:

  • Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: Ngày 18 tháng 01 năm 1993, công trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
  • Tượng Chúa Giêsu lớn nhất Việt Nam: Ngày 15 tháng 05 năm 2006, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam chính thức xác lập đây là tượng Chúa Giêsu lớn nhất tại Việt Nam.
  • Tượng Chúa Ki-tô lớn nhất Châu Á: Ngày 09 tháng 01 năm 2012, Hội đồng Xác lập Kỷ lục Châu Á công nhận tượng Chúa Ki-tô Vua tại Vũng Tàu là bức tượng Chúa lớn nhất châu Á.

 

Hình 1: Các Cha cố tây truyền giáo tại Việt Nam.

KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO VÀ Ý NGHĨA

Phương Hướng Đặt Tượng

Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên các yếu tố địa lý, hướng mặt trời cũng như hướng gió theo từng mùa trong năm, tượng Chúa Ki-tô Vua được thiết kế quay ra biển, thể hiện hình ảnh chở che và bảo vệ cư dân vùng biển.

Từ đỉnh núi Tao Phùng, tượng nhìn ra đại dương theo hướng Đông Nam, tạo nên một khung cảnh rộng mở và hùng vĩ. Bên phải là mũi Ô Quắn (còn gọi là mũi Nghinh Phong), bên trái là Hòn Bà. Đặc biệt, các bậc thang dẫn lên tượng cũng được thiết kế theo hướng này, giúp khách hành hương và du khách có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh vẻ đẹp thiên nhiên và công trình nơi đây một cách trọn vẹn.

Quy mô và thiết kế

  • Tượng Chúa Ki-tô Vua:

Được đặt trên đỉnh núi Tao Phùng, cao 136 mét từ mặt đường và cao 176 mét so với mực nước biển, tượng Chúa đứng trên bệ hình bán cầu cao 3m, kết hợp bệ chân cao 6m, tạo nên hình ảnh vững chãi và trang nghiêm với chiều cao tổng thể 32m, bao gồm các thông số chi tiết:

  • Phần chính tượng từ bàn chân đến hào quang đỉnh đầu cao 22 mét;
  • Tia thu lôi đỉnh hào quang cao 01 mét; 
  • Ngoài ra tượng còn được thiết kế với 09 (chín) tia hào quang trên đỉnh đầu đồng thời cũng là hệ thống thu lôi, chống sét.

 

  • Chân đế bán cầu cao 03 mét;
  • Bệ tượng từ mặt nền đến chân lan can cao 06 mét;
  • Hai cánh tay dang rộng 18,40 mét; mỗi bàn tay dài 2,20 mét; ngón giữa dài 1,10 mét; bề ngang bàn chân rộng 1,10 mét;

 

(Lên đến khu vực đỉnh núi, ngoài việc được chiêm ngưỡng tuyệt tác tượng Chúa “khổng lồ”, du khách còn có thể chiêm ngắm bức họa phù điêu “Bữa Tiệc Ly” ở mặt trước bệ khối, “Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Phêrô” ở mặt sau, bên hướng tay trái của Người là cảnh “Chúa Giáng sinh” và bên phải là cảnh “Chúa chịu xét xử tại dinh Philatô”)

Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Phêrô (mặt sau tượng Chúa Ki-tô Vua Vũng Tàu)

Chúa Giêsu trao chìa khóa cho Phêrô (mặt sau tượng Chúa Ki-tô Vua Vũng Tàu)

Mầu nhiệm Giáng sinh - phù điêu bên phải tượng Chúa Ki-tô Vua Vũng Tàu

Mầu nhiệm Giáng sinh - phù điêu bên phải tượng Chúa Ki-tô Vua Vũng Tàu

Chúa chịu xét xử tại dinh Philato (phù điêu bên tay trái hướng từ dưới lên)

Chúa chịu xét xử tại dinh Philato (phù điêu bên tay trái hướng từ dưới lên)

Tượng Đức Mẹ Sầu Bi Tượng Chúa Kito Vua Vũng Tàu

(Trước khi đặt chân đến tượng Chúa với gần 900 bậc thang, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng tượng Đức Mẹ Sầu Bi, cùng với đó là những trạm dừng chân được bố trí dọc đường để nghỉ ngơi và ngắm cảnh.)

Cầu thang xoắn ốc bên trong Tượng Chúa Kito Vua Giang tay

  • Hệ thống cầu thang bên trong tượng Chúa:

Ngoài việc có sức chứa hàng trăm khách bên trong tượng, điểm nhấn độc đáo là hệ cầu thang xoắn ốc bằng đá mài gồm 133 bậc, dẫn lên hai vai tượng, từ đó có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố biển Vũng Tàu, với Bãi Trước, Bãi Sau, và đại dương xanh ngút ngàn.

 

  • Chi tiết hài hòa văn hóa Việt Nam:

Dọc theo thân áo tượng phía trước và sau, được thiết kế ba ô cửa họa tiết chữ “Thọ” mang đậm nét văn hóa dân tộc. Ngoài ra còn có tác dụng giúp lưu thông không khí, lấy ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài.

(Một đặc điểm khá thú vị mang tính chất lịch sử là dưới phần móng tượng hiện hữu hệ thống hầm ngầm, công sự gồm 7 căn hầm dài 7m, được cho là xây dựng bởi người Pháp hoặc Nhật trong thời kỳ chiến tranh. Ngoài ra, hai bên cạnh chân tượng Chúa là hai khẩu thần công được bố trí hướng ra biển.)

 

Vật liệu xây dựng và sự kỳ công

Toàn bộ vật liệu xây dựng được lựa chọn kỹ lưỡng, sau đó chế tác một cách công phu:

  • Vật liệu xây dựng sử dụng chính từ trong nước, ngoại trừ xi-măng trắng phải nhập khẩu vì Việt Nam thời điểm đó chưa sản xuất được.
  • Đá và cát được lấy từ khu vực Biên Hòa - Đồng Nai để đảm bảo độ bền, tính thẩm mỹ, đạt tiêu chuẩn đối với một công trình mang tầm vóc quốc tế và dấu ấn lịch sử;
  • Đá rửa bên ngoài pho tượng là sỏi nhỏ ba ly được sàng ra khỏi cát lấy ở sông Đồng Nai;
  • Đá mài ở các phần mặt, tay, chân, áo và cầu thang bên trong tượng được vận chuyển và xay từ đá cẩm thạch tại núi Ngũ Hành Sơn (Non Nước), Đà Nẵng.

Đặc biệt, công trình hoàn toàn được xây dựng thủ công, không sử dụng máy móc cơ giới, thể hiện sự kỳ công và tâm huyết của đội ngũ xây dựng.

Hình 6: Công trình xây dựng tượng Chúa Ki-tô Vua trong giai đoạn hoàn thiện.

Hình 7: Hàng ngàn tín hữu tham gia chuyển đá làm bậc thang lên tượng Chúa.

Hình 8: Hình ảnh gần của đoàn người chuyển gạch/ đá dưới chân tượng Chúa Ki-tô Vua.

 

 

Hình 9: Ngày 02 tháng 12 năm 1994 Đức giám mục Phaolo Maria Nguyễn Minh Nhật làm phép khánh thành công trình tượng đài Chúa Kito Vua tại Vũng Tàu

CÁC HOẠT ĐỘNG TẠI TRUNG TÂM

Trung tâm đã trở thành điểm đến của cả tín hữu Công giáo và du khách trong nước, quốc tế. Một số hoạt động tiêu biểu bao gồm:

  • Lễ Chúa Ki-tô Vua vũ trụ - Bổn mạng Trung tâm: Được tổ chức thường niên vào cuối tháng 11 theo lịch phụng vụ Công giáo – tại khu vực tượng Chúa, trên đỉnh núi Tao Phùng;
  • Thánh lễ Hành hương cấp giáo phận: Cố định hàng tháng vào thứ Sáu tuần đầu tiên – tại khu vực bên ngoài nhà nguyện Lòng Thương Xót, dưới chân núi;
  • Thánh lễ hội Lòng Thương Xót, giáo hạt Vũng Tàu: Vào thứ Sáu hàng tuần tại nhà nguyện Lòng Thương Xót;
  • Thánh lễ Chúa Nhật và thánh lễ hàng ngày cũng như các hoạt động tâm linh: hành hương, tĩnh tâm, bác ái, thiện nguyện: theo lịch thánh lễ hoặc liên hệ trực tiếp Trung tâm.
Đăng Ký Tham Quan
×